Được tạo ra với mục đích phục vụ cho những thợ lặn chuyên nghiệp nhưng đồng hồ lặn (Dive watches) ngày nay lại được nhiều người ưa chuộng bởi vẻ ngoài nam tính và có tính đa dụng cao. Tuy nhiên lịch sử và khởi nguồn của nó lại là điều ít biết bởi số đông, hoặc bị lầm tưởng bởi những chiến dịch maketing, những câu chuyện về Rolex Submariner.
Trước khi lặn trở thành một môn thể thao với những trang phục được cải tiến gọn gàng và trở lên phổ biến, vào cuối thế kỷ 19, những thợ lặn “mũ cứng” là hình ảnh thợ lặn phổ biến nhất, và tiền thân của đồng hồ lặn là những chiếc đồng hồ bỏ túi thông thường, được thợ lặn nhét vào trong mũ bảo hiểm của họ để giữ khô ráo. Những bộ vỏ đồng hồ chống nước thời đó rất hiếm, thường được tạo ra theo yêu cầu hoặc đơn đặt hàng riêng.
Tuy nhiên, đồng hồ chống nước không phải là một khái niệm mới lạ vì đã có nhiều phiên bản đồng hồ lặn ra đời trong suốt nhiều năm. Năm 1881, Ezra Fitch đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho núm vặn cổ chai (screwdown crown), cơ chế núm vặn này đã trở thành một cơ chế thiết yếu để giữ cho đồng hồ không bị vào nước cho đến ngày nay. Vào năm 1883, một chiếc đồng hồ bỏ túi chống nước được phát triển bởi Alcide Droz & Fil’s, chiếc đồng hồ được đặt tên “Impermeable”. Tiếp theo đó là một phát minh đáng chú ý khác của thế kỷ 19, screwdown case của Francois Borgel được cấp bằng sáng chế vào năm 1891.
Kết hợp cả thiết kế của Fitch và Borgel, Rolex đã được cấp bằng sáng chế cho bộ vỏ Oyster huyền thoại vào ngày 17 tháng 5 năm 1926. Sau đó, vào ngày 7 tháng 10 năm 1927, Mercedes Gleitze, 26 tuổi, trở thành người phụ nữ đầu tiên bơi qua eo biển Anh, cùng với chiếc Rolex Oyster’ mới trên cổ cô. Điều này đã chứng nhận khả năng chống nước tuyệt vời của vỏ Rolex Oyster, trở thành chiếc đồng hồ đeo tay chống nước đầu tiên trên thế giới.
Nhưng, khi Rolex nghiên cứu, phát minh và được cấp bằng sáng chế cho case Oyster vào năm 1926, thiết kế này vẫn chưa được kiểm nghiệm và chứng minh có thể phục vụ cho các hoạt động lặn biển sâu (deep diving). Lúc này sân chơi chinh phục đại dương là của Omega Marine. Được phát hành vào năm 1932 với mục đích phục vụ cho các hoạt động lặn, Omega Marine đã được thử nghiệm thực tế và chứng minh khả năng chống nước tuyệt vời của nó. Thiết kế của Omega Marine dựa trên bằng sáng chế được cấp cho Louis Alix từ Geneva Thụy Sỹ.
Để giúp cho chiếc đồng hồ có khả năng chống nước mà không vi phạm bằng sáng chế của Rolex, Louis Alix quyết định đặt toàn bộ chiếc đồng hồ bên trong một lớp vỏ ngoài (outer case). Sau khi đặt chiếc đồng hồ vào bên trong, outer case được đóng lại sử dụng cơ chế nút chai nhằm ngăn nước không thể tiếp xúc với chiếc đồng hồ.
Để cho việc đưa đồng hồ vào bên trong outer case, núm của chiếc Omega được đặt trên phần đỉnh của đồng hồ, tương tự như đồng hồ bỏ túi. Điểm đặc biệt của thiết kế vỏ đôi là khi nó chìm sâu hơn dưới nước, áp lực nước tăng lên trên cơ chế nút chai làm nó chặt hơn và đồng hồ trở nên chống thấm nước tốt hơn!
Năm 1936, nó đã được thử nghiệm thành công dưới đáy hồ Geneva ở độ sâu 73 mét. Các thử nghiệm bổ sung trong phòng thí nghiệm đã được thực hiện 5 năm sau đó và Phòng thí Swiss Laboratory for Horology kết luận chiếc đồng hồ này có khả năng chống thấm nước hoàn toàn ở độ sâu 135 mét!
Đây là những thử nghiệm đầu tiên được thực hiện nhằm thiết lập khả năng đo độ sâu của đồng hồ đeo tay và chính thức xác nhận tính phù hợp của nó với áp suất khi lặn dưới nước. Omega Marine đã được chứng minh là một công cụ đáng tin cậy dưới nước và điều này khiến nó xứng đáng được đeo trên cổ tay của nhiều người tiên phong trong hành trình khám phá đại dương. Mặc dù nó có thể không nổi tiếng như Rolex Oyster nhưng nó là chiếc đồng hồ lặn thực sự đầu tiên.