Geneva có một lịch sử lâu dài về chế tác đồng hồ. Đồng hồ đã được biết đến ở đó vào thế kỷ thứ 9, có lẽ được nhập khẩu từ miền nam nước Đức và trở nên khá phổ biến vào thế kỷ thứ mười một. Tuy nhiên đến tận thế kỷ 16, năm 1587 Geneva mới bắt đầu xuất hiện nghề chế tác đồng hồ do Charles Cusin một người thợ làm đồng hồ đến từ Autun mang đến. Thời điểm đó doanh số bán đồng hồ đã tăng lên đáng kể khi những cải cách của chủ nghĩa Calvin cấm đeo đồ trang sức và các thợ kim hoàn chuyển sang chế tác đồng hồ để thay thế đồ trang sức. Một trăm năm sau, có hơn 100 thợ đồng hồ được đăng ký tại Geneva, tuyển dụng hơn 300 công nhân và sản xuất gần 5.000 chiếc đồng hồ mỗi năm.
Năm 1601, Hiệp hội thợ đồng hồ Geneva (Watchmakers Guild of Geneva) được thành lập để kiểm soát hoạt động buôn bán trong và xung quanh Geneva. Hiệp hội đảm bảo rằng chất lượng đồng hồ do các thành viên sản xuất được duy trì ở mức cao nhất, nhưng cũng hạn chế các hoạt động có thể làm tăng số lượng sản xuất và giảm giá thành đồng hồ. Việc sản xuất hàng loạt bị cấm, số lượng người học việc được giữ ở mức tối thiểu, và việc gia nhập hội (để được phép làm đồng hồ) bị kiểm soát chặt chẽ. Kết quả là, danh tiếng của đồng hồ Geneva về chất lượng cũng như giá cả luôn được giữ ở mức cao.
Điều này tiếp tục cho đến nửa sau thế kỷ 17 ở Thụy Sĩ khi Daniel JeanRichard, một người thợ không muốn tuân theo các quy tắc cứng nhắc của hiệp hội, đã thay đổi mọi thứ. JeanRichard bắt đầu chế tạo đồng hồ ở vùng núi Jura, tạo việc làm cho nông dân địa phương, những người không thể làm việc ngoài trời trong những tháng mùa đông dài. Khiến ngành công nghiệp này phát triển nhanh chóng trong thế kỷ 18. Trong thế kỷ 19 và 20, hầu hết mọi chiếc đồng hồ Thụy Sĩ đều được sản xuất tại Le Locle và La Chaux-de-Fonds hoặc các khu vực lân cận, dần dần mở rộng sang phía Bắc và Đông hướng về phía Biel/Bienne.
Daniel JeanRichard và sự ra đời của ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ
Vào thế kỷ XVI, những nhà sản xuất đồng hồ đầu tiên được đặt tại miền Nam nước Đức, sau đó là Pháp và Geneva; những khu vực tập trung các hoàng tử, quý tộc và thương gia giàu có, những người sẵn sàng trả giá cao cho một món đồ mà họ có thể khoe với đồng nghiệp của mình. Trước khi phát minh ra bánh xe cân bằng (balance wheel), đồng hồ có độ chính xác khá thấp, thường được coi như món trang sức nhằm gây sự chú ý, vì thế chúng được được làm bằng kim loại quý và được trang trí lộng lẫy. Việc kiểm soát sản xuất với số lượng nhỏ những chiếc đồng hồ rất đắt tiền bởi các thành viên của các hiệp hội thợ đồng hồ đã làm hạn chế khả năng ngành này phát triển được thành một ngành công nghiệp. Đến cuối thế kỷ 17, Daniel JeanRichard bắt đầu chế tạo đồng hồ bên ngoài Geneva, thoát khỏi sự kiểm soát của các hiệp hội vốn chỉ sản xuất đồng hồ ở số lượng nhỏ.
Daniel JeanRichard sinh năm 1672 tại Les Bressels, La Sagne, nằm giữa Le Locle và La Chaux-de-Fonds, nơi ngày nay là bang Neuchâtel của Thụy Sĩ. Khu vực này nằm ở vùng núi Jura, phía trên thị trấn và hồ Neuchâtel, cách xa trung tâm chế tạo đồng hồ Thụy Sĩ ở Geneva. Bản thân Geneva cao 373,6 mét (1225,7 ft) so với mực nước biển, đã đủ cao. Neuchâtel cao hơn ở độ cao 430 m (1.411 ft), nhưng Le Locle cao hơn mực nước biển 945 m (3.100 ft), vẫn cao hơn nhiều. Do độ cao và thiếu nước, cùng với đá vôi xốp dưới lòng đất, vùng đất xung quanh Le Locle không thích hợp cho việc trồng trọt và khu vực này thường có tuyết rơi vào mùa đông nên người dân vùng này chỉ có thể làm những công việc trong nhà trong những tháng mùa đông lạnh giá.
Một số tài liệu cho biết năm sinh của JeanRichard là 1665, nhưng Jaquet và Chapuis đề cập đến bằng chứng tài liệu từ các kho lưu trữ địa phương cho thấy rằng đó là năm 1672. Tổ tiên của gia đình JeanRichard được gọi là Richard, nhưng một trong số họ đã được đặt tên theo đạo Cơ đốc là Jean và vì một số lý do khiến điều này được chuyển thành cái tên JeanRichard trong những thế kỷ tiếp theo. Người ta biết rất ít về lý lịch của Daniel JeanRichard. Có ý kiến cho rằng ông là thợ rèn hoặc thợ khóa, và Kathleen Pritchard, trong cuốn “Những nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ 1775-1975” nói rằng ông “có lẽ” là một thợ kim hoàn. Được biết, trước khi JeanRichard ra đời đã có đồng hồ ở Le Locle và cũng có những người thợ kim hoàn làm việc trên núi.
Nhưng chính Daniel JeanRichard mới là người có công đưa ngành chế tạo đồng hồ đến khu vực, bắt đầu một cuộc cách mạng biến một cộng đồng nông dân nông thôn đang vật lộn với đất đai nghèo nàn và mùa đông dài khắc nghiệt trở thành trung tâm chế tạo đồng hồ của thế giới..

Lần đầu tiên Daniel JeanRichard được đề cập đến là trong bản ghi của Frédéric Samuel Osterwald, người vào năm 1766 đã xuất bản một mô tả về các ngọn núi và thung lũng của Công quốc Neuchâtel và Valangin. Trong cuốn sách này, Osterwald kể rằng “một người đàn ông buôn ngựa tên Peter, trở về quê hương vào năm 1679, đã mang theo một chiếc đồng hồ được sản xuất tại London, một món đồ hoàn toàn không được biết đến ở vùng núi.” Chiếc đồng hồ đã bị hỏng và người bán hàng nhận thấy chàng trai trẻ Daniel JeanRichard có năng khiếu về máy móc nên đã yêu cầu anh sửa chữa nó. JeanRichard đã tháo chiếc đồng hồ ra và sửa chữa nó, đồng thời ghi chú và vẽ các bộ phận trong quá trình này. Dựa trên những ghi chú và bản vẽ này, JeanRichard đã tiến hành tạo ra một bản sao của chiếc đồng hồ. Nhưng để làm được điều đó, trước tiên anh phải tạo ra những công cụ mình cần, quá trình này mất một năm. Anh được biết rằng ở Geneva, những người thợ đồng hồ có những loại máy giúp chia và cắt những bánh răng đều nhau. Nhưng khi đến Geveva thì những người thợ đồng hồ của hiệp hội đã giữ bí mật về máy móc và không chia sẻ với anh. Trở về nhà trong tâm trạng thất vọng, anh đã tự mình sáng chế lại chiếc máy. Sau khi đã chế tạo xong tất cả các công cụ cần thiết, anh ấy phải mất thêm sáu tháng nữa để chế tạo chiếc đồng hồ đầu tiên của mình.
Mặc dù có thể có một số sự thật trong câu chuyện hấp dẫn này, nhưng câu chuyện về người buôn ngựa và chiếc đồng hồ bị hỏng có lẽ chỉ là những chi tiết được thêm vào và những câu chuyện tương tự cũng được kể ở các khu vực chế tạo đồng hồ ở Pháp và Đức.
Nhà sáng lập hệ thống phân công lao động
Có một điều được biết đến là vào năm 1691 ở tuổi 19, Daniel JeanRichard đã mở một xưởng làm đồng hồ gần Le Locle và tiến hành cách mạng hóa ngành công nghiệp đồng hồ. Anh bất chấp những hạn chế của hệ thống hiệp hội và thuê những người nông dân địa phương, những người thường ít có việc để làm trong mùa đông dài, để sản xuất các bộ phận riêng lẻ cho anh ta và lắp ráp thành đồng hồ. Hệ thống phân công lao động này được gọi là établissage và người ngồi ở trung tâm của mạng lưới và kiểm soát tất cả được gọi là établisseur. Các doanh nghiệp thuộc loại này được gọi là comptoir.
JeanRichard đã dạy những người nông dân chuyên chế tạo một số bộ phận nhất định, để với kinh nghiệm, họ có thể sản xuất các bộ phận riêng lẻ chất lượng cao với giá rất rẻ so với hệ thống hiệp hội, nơi một số thợ thủ công chế tạo tất cả các bộ phận của đồng hồ. Ông cũng ngày càng cơ giới hóa việc chế tạo đồng hồ, thiết kế và cải tiến các công cụ, máy móc để những công nhân kém tay nghề hơn vẫn có thể sản xuất các bộ phận chất lượng cao. Hệ thống ngày càng chuyên môn hóa và cơ giới hóa này đã sản xuất ra những chiếc đồng hồ chất lượng cao với giá thấp.
Sau khi thành lập xưởng của mình ở Le Locle, Daniel JeanRichard lần đầu tiên dạy môn chế tác đồng hồ cho năm người con trai của mình, sau đó những người trẻ khác tò mò muốn học đã theo học nghề với ông và trở thành những bậc thầy, và tiếp tục đào tạo những thế hệ tiếp theo. Không có những hạn chế về số lượng người học việc như các thợ đồng hồ Geneva có, số lượng người học việc và thợ mới đã tăng lên nhanh chóng ở vùng núi. Khởi đầu bằng việc Daniel JeanRichard mang nghề chế tạo đồng hồ đến Le Locle, ngành chế tạo đồng hồ đã lan rộng khắp dãy Jura của Neuchâtel và Berne cũng như các quận liền kề Soleure và Bâle.
Khi Osterwald ghi lại nhật ký của mình vào năm 1766, ông lưu ý rằng “ít nhất 15.000 chiếc đồng hồ bằng bạc hoặc vàng được sản xuất mỗi năm ở Le Locle và La Chaux-de-Fond, chưa kể một số lượng rất lớn những chiếc đồng hồ đơn giản và phức tạp.” Đến năm 1855, các thợ đồng hồ ở vùng núi Jura đã sản xuất số lượng đồng hồ gấp 9 lần so với ở Geneva. Danh mục Kelly năm 1901 liệt kê 713 thợ làm đồng hồ Thụy Sĩ. Trong số 713, 258 ở La Chaux-de-Fonds, 37 ở Le Locle, 88 ở Bienne và 47 ở Tramelan, tổng cộng là 430 so với chỉ 75 ở Geneva. Một dấu hiệu rõ ràng về việc hậu duệ của những người nông dân trên núi đã vượt qua các hội viên bên bờ hồ Geneva như thế nào.
Vào đầu thế kỷ 20, hơn một nửa số đồng hồ được phân phối trên toàn cầu được sản xuất ở khu vực Le Locle và La Chaux-de-Fond.
Daniel JeanRichard qua đời năm 1741, để lại 5 người con trai theo đuổi công việc kinh doanh đầy lợi nhuận của cha mình. Ông vẫn được ca ngợi như một anh hùng ở Le Locle và La Chaux-de-Fonds. Ở trung tâm Le Locle, trước bưu điện, có bức tượng ông đeo tạp dề công nhân, đang xem xét đồng hồ. Có một bảo tàng Daniel JeanRichard ở La Sagne và một con phố được đặt theo tên ông ở La Chaux-de-Fonds. Hình ảnh bên dưới là biểu ngữ trên trang nhất của La Horlogère Suisse, một tờ báo thương mại xuất bản trên La Chaux-de-Fonds. Ở phía trên, ở giữa là hình ảnh người anh hùng địa phương; Daniel JeanRichard.