Golden Bridge – Cây Cầu Vàng của CORUM

Năm 1980, thời điểm mà cuộc khủng hoảng thạch anh gần như đạt tới đỉnh điểm. Corum cùng với Vincent Calabrese đã chính thức đưa chiếc Golden Bridge lần đầu tiên đến với thế giới. Đây là một thời điểm mà có thể nói là không có lúc nào thích hợp hơn, vì nó nhắc nhở những người đam mê đồng hồ và cả những người yêu thích công nghệ rằng vẻ đẹp của đồng hồ nằm ở chính bộ máy cơ khí, chúng đáng để được chúng ta quan sát nhiều hơn và kỹ hơn, thay vì bị bỏ rơi để chạy theo xu hướng công nghệ điện tử.

So sánh thiết kế giữa đồng hồ Skeleton phổ biến và CORUM Golden Bridge.

Thiết kế lộ máy không góc chết

Với một chiếc đồng hồ skeleton, người đeo có thể theo dõi đường đi của năng lượng từ ổ cót đến dây tóc đồng hồ, và nếu may mắn, họ có thể suy luận được cách hoạt động của nó. Thế nhưng, trong tất cả các loại đồng hồ “tôn vinh vẻ đẹp của bộ máy cơ”, có thể nói không chiếc nào thể hiện điều đó một cách đơn giản, gọn gàng và trực quan như Golden Bridge – một ví dụ hoàn hảo về “nghệ thuật trưng bày chế tác đồng hồ” (Hological Exhibitionism)

Với cách sắp xếp các chi tiết tuyến tính do Vincent Calabrese sáng tạo, gần như không thể không hiểu được cách hoạt động của bộ máy. Bởi sự đơn giản, tinh tế của nó đều có thể được quan sát từ mọi góc cạnh, thậm chí là từ bên hông của chiếc đồng hồ, nơi mà chúng ta có thể thấy rõ được từng tầng của các bánh răng truyền động.

Toàn bộ bộ máy có thể được nhìn thấy từ phía hông của đồng hồ.

Corum còn cho thấy sự chăm chút của họ đối với Golden Bridge là nhiều như thế nào khi toàn bộ cây cầu đều được chạm khắc thủ công, đánh bóng và mạ vàng. Nổi bật giữa những chi tiết kim loại đậm chất cơ khí là những chân kính màu hồng nổi bật, được sử dụng trên các trục để ngăn ngừa mài mòn và kéo dài tuổi thọ của bộ truyền động, đặc biệt là hai bộ phận có sự chuyển động nhanh nhất của bộ máy – balance wheel và escapement.

Bên cạnh đó, cũng vì toàn bộ bộ máy được đặt dọc trong vỏ đồng hồ, nên núm vặn cũng được đặt ở cạnh dưới phía 6 giờ của mặt số, điều này không những không hề gây ra sự khó chịu hay phiền toái khi sử dụng mà còn đem lại trải nghiệm độc đáo cho người đeo, đồng thời cũng góp phần tạo nên sự cân đối cho vỏ đồng hồ.

Mặt lưng của đồng hồ và núm Crown được đặt ở góc 6 giờ ngay sát dây da cá sấu.

Hệ thống lên cót tự động độc đáo

Trải qua nhiều năm phát triển và cải tiến, Corum đã cho ra mắt nhiều phiên bản Golden Bridge với những thiết kế độc đáo khác nhau từ trong ra ngoài. Nhưng điểm nhấn lớn nhất phải kể đến đó là hệ thống lên dây cót tuyến tính tự động (Linear Automatic Winding).

Bộ máy với hệ thống lên dây cót tuyến tính tự động. Ảnh: DreamChrono

Bộ rotor dao động dọc theo bộ máy cung cấp năng lượng cót cho tính năng lên dây tự động. Phải nói rằng, thiết kế và cấu trúc của bộ máy Golden Bridge đã “chờ đợi” tính năng này ngay từ khi ra đời. Và rõ ràng gần như không có bộ máy nào khác phù hợp với tính năng này hơn nó như Calibre CO313 của Golden Bridge.

Hệ thống này bao gồm một khối bạch kim 4 gram gắn vào một khung di chuyển dọc theo các đường ray thép phủ Teflon. Khung này kết hợp các ống bọc bằng đồng Berili để giảm ma sát hơn nữa, trong khi các thanh trượt được bọc bởi các vòng chữ O cao su, đệm ở cả hai đầu để đỡ lấy khối bạch kim khi nó đi hết hành trình. Nhưng quan trọng nhất, được tích hợp trong thiết kế khung là một thanh răng ở một bên để chuyển đổi chuyển động tuyến tính thành chuyển động quay và từ đó lên dây cót cho đồng hồ. Và để tránh lên dây quá mức cũng như giảm độ phức tạp, việc lên dây chỉ xảy ra theo một hướng và thanh răng sẽ “trôi tuột” theo hướng ngược lại. Tương tự như nhiều thiết kế rotor khác, nhưng được chế tạo để phù hợp với các đường thẳng của Golden Bridge.

Một trong những chiếc Golden Bridge mới nhất được ra mắt bởi CORUM. Ảnh: SJX Watches

Sau hơn 40 năm kể từ lần đầu ra mắt, những phiên bản mới của Golden Bridge ngày nay dù đã có thêm những tính năng, cơ chế hiện đại hơn, nó vẫn giữ được nét thiết kế truyền thống, thanh lịch và cổ điển, không quá phô trương nhưng lại mang tới sức quyến rũ đầy mê hoặc của cơ khí.

Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *